Lượt xem: 628

Đảm bảo môi trường trong nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao

Con tôm hiện là mặt hàng chiếm gần 80% giá trị xuất khẩu hằng năm của tỉnh Sóc Trăng và đóng góp 10% vào kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Kết quả này ghi nhận sự nỗ lực lớn từ hộ nuôi và doanh nghiệp trong việc phát triển mạnh các mô hình nuôi tôm thâm canh, ứng dụng công nghệ cao. Mặc dù khẳng định được hiệu quả kinh tế, nhưng hình thức nuôi này lại mang tính rủi ro cao về ô nhiễm môi trường vì nguồn nước và thức ăn thải ra là rất lớn. Ý thức rõ điều này, nhiều cơ sở nuôi đã có sự đầu tư hệ thống xử lý chất thải trong quá trình phát triển nghề nuôi, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và đảm bảo môi trường tại ao nuôi, vùng nuôi.

 


Anh Lý Văn Rắt thực hiện loại bỏ chất thải rắn từ ao nuôi tôm bằng túi lọc

 

    Toàn bộ khu nuôi tôm với diện tích 49.000 m2 nhưng có đến 90% diện tích được anh Lý Văn Rắt ở ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu đầu tư xây dựng ao lắng, ao xử lý nước, diện tích 3 ao nuôi chỉ chiếm 1.200 m2 mỗi ao. Thực hiện quy trình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn theo hình thức lót bạt đáy, anh Rắt đã thiết kế bài bản sơ đồ nuôi tôm theo hình thức tuần hoàn nước. Theo đó, khi thực hiện xi phông thay nước, vỏ tôm và xác tôm từ ao nuôi sẽ được giữ lại bằng túi lọc, riêng các chất thải rắn được thải ra kênh chứa thải, nguồn nước đầu vào từ kênh cấp nước sẽ trải qua 6 ao lắng. Nước từ ao lắng đã qua xử lý được chứa vào ao sẵn sàng để cung cấp cho ao ương hoặc ao nuôi. Nhờ hệ thống xử lý nước tuần hoàn theo chuỗi khép kín, khu nuôi của anh Lý Văn Rắt đã hạn chế được nguồn nước thải xả ra môi trường, tôm nuôi sinh trưởng tốt và giảm rủi ro dịch bệnh. Anh Rắt cho biết: “Lúc trước khi chưa xử lý như vậy thì tôm hay bị nhiễm khuẩn đường ruột với gan, làm tôm hay bị bệnh phân trắng. Từ lúc thực hiện như vậy thì tôm phát triển tốt, ăn uống bình thường. Năm nay chắc được khoảng 20 tấn”.

    Cũng thả nuôi tôm theo quy trình 3 giai đoạn, ứng dụng công nghệ cao, để không gây ô nhiễm môi trường, anh Châu Minh Tâm ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú còn chú trọng vấn đề xử lý chất thải thông qua việc đầu tư hệ thống biogas. Với hệ thống này, toàn bộ nước thải, phân tôm và vỏ tôm từ hố xi phông sẽ được đưa vào hầm biogas để xử lý trước khi đưa vào ao lắng và thải ra môi trường bên ngoài. Nhờ được xử lý qua hệ thống biogas, nguồn chất thải từ quá trình nuôi tôm sẽ không còn gây ô nhiễm môi trường, khí gas của hệ thống cũng sẽ được làm sạch và phục vụ cho việc nấu nướng trong gia đình, từ đó giảm được chi phí trong sinh hoạt. Bênh cạnh đó, vỏ tôm được giữ lại thông qua túi lọc còn được gia đình tận dụng để trồng rẫy. Anh Tâm chia sẻ thêm: “Nuôi theo mô hình này dễ kiểm soát dịch bệnh hơn so với ao đất truyền thống. Môi trường ao nuôi mình quản lý được, còn môi trường xung quanh mình đã xử lý bằng biogas rồi, nên không gây ảnh hưởng gì đến môi trường bên ngoài. Từ đó cũng không gây phiền hà cho bà con, lối xóm xung quanh”.

    Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có hơn 4.000 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tập trung chủ yếu ở các trang trại và hộ nuôi trên địa bàn các huyện Trần Đề, Long Phú, Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu. Qua số liệu khảo sát của Sở Tài Nguyên và Môi trường, khối lượng chất thải trong hoạt động nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh tương đối lớn với khoảng 4,81 đến 6,93 triệu m3/năm đối với bùn thải và từ 433,2 đến 563,1 triệu m3/năm đối với nước thải. Lượng chất thải nuôi tôm phát sinh nếu không được thu gom và xử lý đúng quy định sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường. Từ hiện trạng này, cùng với sự hỗ trợ về quy trình kỹ thuật và nguồn vốn tín dụng để phát triển các mô hình nuôi hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã xây dựng các giải pháp đồng bộ để phát triển nghề nuôi tôm nước lợ mang tính bền vững theo hướng sản xuất có trách nhiệm với môi trường. Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình - Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn 1345 về việc tăng cường quản lý các cơ sở nuôi, hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh để vừa đảm bảo bảo vệ môi trường, vừa nuôi hiệu quả và chấp hành tốt các quy định. Chúng tôi cũng tiếp tục tăng cường củng cố, thành lập mới các hợp tác xã để phát triển kinh tế tập thể. Vì hiện trạng đất của chúng ta là đất đai riêng lẻ nên cần phải hợp tác lại để vừa sản xuất hiệu quả, vừa phát huy tính cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Dựa theo kiến nghị của các địa phương, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho ngành làm các sổ tay hướng dẫn để người dân nắm rõ cần làm những gì từ việc xây dựng công trình ao nuôi đến việc áp dụng các quy trình kỹ thuật sẽ được áp dụng theo từng năm, để người dân dễ hiểu, dễ nắm và dễ áp dụng luật”.


Tham quan hệ thống biogas xử lý chất thải tại khu nuôi tôm của anh Châu Minh Tâm. 

 

    Với vòng quay sản xuất nhanh, nuôi tôm về size lớn, hạn chế tối đa thiệt hại trên tôm do dịch bệnh,... hình thức nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao hiện đang là xu hướng phát triển được ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến khích người dân đầu tư, nhân rộng nhằm nâng cao lợi nhuận kinh tế. Tuy vậy, chỉ khi vấn đề đảm bảo môi trường được đặt song hành với lợi ích kinh tế, quy trình nuôi này mới thật sự phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, góp phần thúc đẩy và tạo ra sự tăng trưởng bền vững cho ngành hàng kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 60
  • Hôm nay: 7988
  • Trong tuần: 78,695
  • Tất cả: 11,802,015